Máy bơm nước 24h Phân loại nhóm cuộn dây khi quấn động cơ không đồng bộ

Phân loại nhóm cuộn dây khi quấn động cơ không đồng bộ

Quấn dây trong máy điện xoay chiều nhìn chung có thể thực hiện với hai loại nhóm cuộn dây:

+ Nhóm cuộn dây đồng tâm

+ Nhóm cuộn dây đồng khuôn

1. Nhóm cuộn dây đồng tâm

Nhóm cuộn dây đồng tâm được hình thành bởi nhiều cuộn dây có bước cuộn dây khác nhau và được mắc nối tiếp với nhau theo cùng một chiều quấn. Các cạnh dây của mỗi cuộn chiếm các rảnh kế cận nhau để tạo thành từ cực.

Để tạo hình nhóm cuộn dây đồng tâm, người ta quấn liên tiếp dây dẫn theo cùng một chiều quấn lên trên 1 bộ khuôn có kích thước khác nhau và đặt đồng tâm trên cùng 1 trục quấn.

Ưu điểm của cách quấn dây này là dễ lắp đặt cuộn dây vào stato. Tuy nhiên, có khuyết điểm là các đầu cuộn dây choán chỗ nhiều hơn so với cách quấn khác.

Dạng nhóm cuộn dây đồng tâm thường phổ biến trong dây quấn của động cơ một pha và động cơ ba pha có công suất nhỏ.

a. Dây quấn đồng tâm xếp lớp

Được hình thành bởi các nhóm cuộn dây đồng tâm dạng dây quấn 1 lớp hoặc 2 lớp. Nhưng các cuộn dây này được lắp đặt gối chồng lên như lợp ngói, như xếp lớp. Vì vậy khi vẽ sơ đồ dạng dây quấn này phải thể hiện sự xếp lớp, các nhóm cuộn được vẽ có kích thước bằng nhau và đầu nhóm cuộn dạng hình tam giác.

b. Dây quấn đồng tâm 3 mặt phẳng

Đây là dạng dây quấn được hình thành bởi các nhóm cuộn dây đồng tâm, dạng dây quấn 1 lớp luôn luôn đấu cực thật, nên có số nhóm cuộn bằng số từ cực của động cơ. Khi trình bày dạng dây quấn này, phải vẽ thể hiện các đầu cuộn dây của mỗi pha, nằm trên 3 lớp phân cách khác nhau.

c. Dây quấn đồng tâm 2 mặt phẳng

Được hình thành bởi các nhóm cuộn dây đồng tâm, dạng dây quấn 1 lớp và luôn luôn đấu cực giả, nên có số nhóm cuộn chỉ bằng 1/2 số từ cực của động cơ. Chỉ áp dụng khi động cơ có 2p>=4

Khi trình bày dạng dây quấn này nên vẽ các đầu cuộn dây pha của các pha nằm trên 2 lớp  phân cách. Vì vậy vẽ các nhóm cuộn dây của mỗi pha có kích thước khác nhau, thực tế thì các nhóm cuộn của mỗi pha đều có kích thước bằng nhau

2. Nhóm cuộn dây đồng khuôn

Nhóm cuộn dây này có bước của các cuộn dây đều bằng nhau nên chúng có đồng 1 khuôn định. Các cuộn dây trong nhóm này cũng được nối tiếp với nhau cùng chiều và được bố trí trên Stato ở các rảnh kế cận để tạo thành từ cực. Thông thường bước cuộn dây trong nhóm cuộn dây đồng khuôn đều là bước ngắn nên có ưu điểm ít tốn dây, thu gọn các đầu cuộn dây.

Tuy nhiên, để đạt yêu cầu thu gọn các đầu cuộn dây ít choán chỗ thì việc lắp bộ dây quấn dạng này phải khó khăn hơn, tốn thời gian hơn so với dạng nhóm cuộn dây đồng tâm.

a. Dây quấn đồng khuôn một lớp

Dạng dây quấn này được hình thành bởi các nhóm cuộn đồng khuôn, lắp đặt chồng xếp lên nhau, có thể thực hiện đấu dây cực thật hay cực giả. Khi vẽ dạng dây quấn này phải vẽ thể hiện sự xếp lớp, có đầu cuộn dây dạng hình tam giác.

+ Ưu điểm

Các cuộn dây do xếp lớp nên được thu gọn

Tiết kiệm được khối lượng dây đồng do bước cuộn dây thường bước ngắn

Với bước ngắn nên triệt được sóng bậc 3, nâng cao tính năng vận hành của động cơ.

Việc thực hiện bộ khuôn nhóm cuộn đồng khuôn đỡ tốn thời gian

+ Khuyết điểm

Thời gian gia công lâu

Việc đấu dây có thể dễ bị nhầm lẫn

Hao tốn nhiều vật liệu cách điện giữa các pha.

b. Dây quấn đồng khuôn 2 lớp

Cũng như dạng dây quấn đồng khuôn 1 lớp, nhưng có mỗi rảnh chứa 2 cạnh dây và các nhóm cuộn dây được xếp chồng gối lên nhau, có thể thực hiện đấu dây cực thật hay cực giả.

+ Ưu điểm:

Các đầu cuộn dây do chỉ có số vòng bằng 1.2 số vòng so với dạng dây quấn đồng khuôn 1 lớp nên được thu gọn hơn.

Thường được thực hiện bước ngắn nên tiết kiệm được khối lượng dây đồng so với các dạng dây quấn khác và dễ làm khuôn cuộn dây.

Triệt được sóng bậc 3 nên nâng cao tính năng vận hành của động cơ

+ Khuyết điểm

Thời gian gia công lâu

Việc đấu dây dễ bị nhầm lẫn nên phải lắp đặt các nhóm cuộn dây theo trật tự, dễ để xác định các đầu dây ra.

Hao tốn nhiều vật liệu cách điện giữa các pha.

c. Dây quấn đồng khuôn móc xích

Dạng dây quấn này cũng giống như dạng dây quấn đồng khuôn, chỉ khác về hình dạng cuộn dây có dạng hình thang nhằm mục đích cho việc lắp đặt dây dễ dàng và khi vô dây thường vô một số rảnh, rồi bỏ trống 1 số rảnh, lại vô tiếp, cứ khoảng cách như thế. Các rảnh bỏ trống dành cho các nhóm cuộn dây vô sau, nên hình thành giống dạng dây xích. Dạng dây quấn này cũng có thể thực hiện dây quấn 1 lớp, hoặc 2 lớp. 

Ưu và khuyết dạng dây này cũng như dạng dây quấn đồng khuôn 1 lớp hoặc 2 lớp. Nhưng thường thực hiện bước dài nên hao tốn khối lượng dây nhiều hơn và việc đấu dây dễ bị nhầm dây.