Bộ biến tần thường được dùng để điều chỉnh vận tốc cho các loại động cơ điện xoay chiều 1 pha và 3 pha. Như đã biết, vận tốc quay của động cơ xoay chiều tỉ lệ thuận với tần số điện lưới và tỉ lệ nghịch với số cực của động cơ. Người ta dùng một bộ biến tần (biến đổi tần số điện lưới) lắp vào mạch cấp nguồn cho động cơ điện xoay chiều thì sẽ điều chỉnh được vận tốc quay của nó một cách trơn tru và mịn trong phạm vi nhất định. Khi tần số điện lưới tăng, động cơ quay nhanh, khi tần số điện lưới giảm, động cơ quay chậm. Điều chỉnh vào biến trở hoặc ấn vào phím điều chỉnh trên bộ biến tần sẽ điều chỉnh được tần số điện lưới cấp cho động cơ.
Bộ biến tần đang được sử dụng hiện nay trên thị trường khá đa dạng do nhiều thương hiệu nổi tiếng sản xuất như Siemens, Schneide, Panasonic, Mitsubishi, Frecon,MICNO , LS, AVT, INVT.....
Khi lắp đặt cần căn cứ vào công suất và vận tốc quay của động cơ, dải điều chỉnh vận tốc của máy công tác mà lựa chọn bộ biến tần có dải điều chỉnh thích hợp. Nhìn chung người ta thường sử dụng bộ biến tần phổ thông để thay thế trong trường hợp sử dụng động cơ vô cấp hay bị hỏng. Chẳng hạn một thiết bị trước đây sử dụng động cơ vô cấp 2,8Kw với dải điều chỉnh vận tốc từ 70 đến 120 vg/ph nay có thể thay thế bằng động cơ 2,8Kw-1400 vg/ph với bộ biến tần có dải điều chỉnh vận tốc từ 1400vg/ph xuống 70÷120vg/ph. Nếu trường hợp không có bộ biến tần có dải điều chỉnh thích hợp thì phải đặt vào giữa động cơ và máy công tác một hộp giảm tốc. Cách tính hộp giảm tốc và đường kính puli giống như trường hợp xử lý vận tốc bằng cơ khí.